“Củng Cố Sự Hiệp Thông” trong Giáo Phận – Chia Sẻ Tĩnh Tâm Linh Mục Tháng 6/2023.

Nhà Mục Vụ Giáo Phận Kon Tum

Bài nói chuyện của Lm Lu-y Nguyễn Quang Vinh

trong buổi tĩnh tâm linh mục Gp Kon Tum tháng 6/2023

 

Trọng kính Đức Cha, kính thưa Cha Tổng Đại Diện, quý cha và quý thầy phó tế,

Được phân công giúp trình bày chủ đề cho buổi tĩnh tâm tháng 6/2023 này, “Củng Cố Sự Hiệp Thông” trong giáo phận.  Đề tài xem ra đi vào mục vụ nhiều hơn suy tư thần học, hay đúng hơn đem tinh thần Hiệp Hành áp dụng vào đời sống mục vụ cấp giáo phận, nó gợi lên sự tương tác mục vụ giữa các linh mục và giữa các giáo xứ.  Tuy nhiên để tránh cơn bệnh “thấy cây mà không thấy rừng”, thấy chi tiết mà không nhận ra tổng quát, nên xin sơ lược lại vài nguyên tắc thần học căn bản về tính Hiệp Hành của Giáo hội để tránh nhầm lẫn khi ứng dụng vào thực tế.

I. Như đã biết, chúng ta đang hướng về một Hội Thánh hiệp hành :  Hiệp thông –  Tham gia – Sứ vụ.  Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sẽ được nhóm họp tại Roma vào tháng 10 năm 2023.  Đức Thánh Cha đã khai mạc Thượng Hội Đồng vào 9/10/2021, khởi đầu cho 3 năm, các giáo phận Việt nam đã tham gia tích cực. THĐGM lần nầy mang tính toàn cầu và mong muốn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, như ý xin trong kinh cầu nguyện cho THĐGM, Giáo Hội lớn tiếng cầu xin “một lễ hiện xuống mới”, nghĩa là một sự thay da đổi thịt. Bởi vì Giáo hội đang đối diện với các khủng hoảng về căn tính linh mục, về hôn nhân đồng tính, về vai trò phụ nữ trong phụng vụ, về vấn đề chuyển giới tính.  Đó là những vần đề nghiệm trọng mà không dễ để có quyết định đúng và thích hợp với giáo lý Chúa Ki-tô và nhu cầu của thời đại.

II. Giáo hội khai thác và suy tư về tính hiệp hành.  Tính Hiệp Hành được khai triển trên nền tảng Kinh thánh, thần học và lịch sử của khái niệm “hiệp hành”rồi từ đó rút ra những nguyên tắc thần học cho Giáo hội công giáo, những nguyên tắc nầy làm chuẩn mực định hướng mục vụ cụ thể cho Giáo hội.

Thật ra khái niệm ‘hiệp hành’ còn mới mẽ, có phần xa lạ, nhất là đối với phần đông Kitô hữu công giáo, vì thế hiểu đúng ý nghĩa ‘hiệp hành’ là điều cần thiết khi tham gia tiến trình của Thượng hội đồng giám mục thế giới.  HĐGM Việt Nam lần đầu sử dụng hạn từ nầy trong Thư Chung 10/2019.  Khái niệm chỉ sự tham gia và tham dự của toàn thể Dân Chúa vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh

Thuật ngữ ‘hiệp hành’ sẽ dễ được tiếp thu với những ai biết ngoại ngữ chút ít: Tiếng Pháp Syn-ode = Synodalité. (Cấu tạo :  Danh từ + tiếp vĩ ngữ (- ité) cho ra một danh từ mới, chỉ tính cách của danh từ đó).

Synodalité dịch là: Tính hiệp hành, tính đồng nghị, tính công nghị, tính liên hiệp.  Thuật ngữ ‘Tính hiệp hành’ được chọn để dùng cho các bản văn thần học. 

Ngang qua đây chúng ta tìm hiểu : Công Đồng có tính hiệp hành không ? Église collégiale.  Collégialité: tính đồng đoàn, tính tập đoàn của sự lãnh đạo (Tự điển Pháp Việt của Lê Khả Kế Xb 1997) Collège des cardinaux, collège d’évêques.  Như vậy Collégialité như đồng nghĩa với Synodalité.  (Synodalité: tìm không có trong tự điển).

Synode des évêques: Thượng Hội Đồng giám mục hoặc Công nghị các giám mục.  Cũng nên phân biệt THĐGM và Công Đồng Chung về uy tính thần học:  Có sự khác biệt: Các phiếu bầu của THĐGM chỉ là thăm dò, là cố vấn cho ĐGH chứ không mang tính quyết định (vote consultatif), khác với phiếu bầu của nghị phụ Công đồng có tính quyết định (vote decisif).  THĐGM được thiết lập sau Công đồng Vat II do Đức Thánh Cha Phaolo VI năm 1965.  Có thể nói đó là nghị viện giúp ĐGH nắm bắt các vấn đề thời sự liên quan đến Phụng vụ, Tín lý, Luân lý, Mục vụ để có phương hướng giải quyết trong thời đại nhiều biến động, cho nên thường thấy:

Mỗi Thượng hội đồng đều có bản đúc kết gửi Đức Giáo Hoàng và dựa vào đó Đức Giáo Hoàng viết ra Tông Huấn (đan cử năm 1980 THĐGM bàn về gia đình.  1981 Tông huấn Familiaris Consortio được ban hành do ĐGH JP II).  Cũng có THĐGM có bản đúc kết mà không có tông huấn, khác với các Công đồng chung, luôn có văn kiện kết thúc được các nghị phụ bỏ phiếu có tính quyết định, cho nên không có chuyện các nghị phụ đi ngược lại với quyết định của Công Đồng hay với Đức Giáo Hoàng. 
Mỗi Công đồng chung đều có Văn Kiện của Công Đồng, đan cử CĐ Vat II, có 4 Hiến Chế lớn : về Phụng vụ thánh – Sacrosanctum Concilium; về Mặc Khải – Dei Verbum; về Giáo Hội – Lumen Gentium; về Mục Vụ – Gaudium et Spes.

Cấu tạo hạn từ Hiệp Hành.  Synode : syn (với) + odos (con đường ) = (hội nghị) hạn từ chỉ con đường phía trước mà Dân Chúa cùng nhau tiến bước.  Dân Chúa lấy phép Rửa làm căn bản, làm mẫu số chung cho việc tham gia góp ý cho công nghị.  Cho nên con đường nầy mở ra cho mọi tín hữu được tham gia, được góp ý kiến, được phát biểu, được lắng nghe. Đây là tư tưởng táo bạo mà xưa nay chưa xảy ra nơi các THĐGM trước đây: tham khảo ý kiến của mọi tầng lớp tín hữu khắp các châu lục, rồi tổng hợp lại, sàng lọc để đón nhận cái tốt và loại bỏ những gì quá đáng.  Suy ra con đường “hiệp hành” nầy đã được thực thi từ thời Cựu Ước , đến các tông đồ và Giáo hội hôm nay.  Từ ngữ “hiệp hành” tuy mới được phổ biến nhưng ý nghĩa thần học đã có từ ban đầu.

Giáo hội ban sơ đã có sinh hoạt hiệp hành điển hình như:

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa sáng tạo con người và kêu gọi họ cộng tác làm xinh tươi vũ trụ và hướng vũ trụ về mục đích của nó (St 1, 26-28)

Thời Tông đồ, Công đồng Jérulalem năm 46-50, đã có lập trường dứt khoát và độc lập, quyết định tách Dân Thiên Chúa ra khỏi Do thái giáo, không còn lệ thuộc vào luật cắt bì nữa, và tách khỏi Hội đường Do thái (Cv 15, 25).  Quyết định nầy đánh dấu một khúc quanh lịch sử trong Kitô giáo, tách biệt Hội Thánh còn trứng nước khỏi Do thái giáo.  Một bước đi vĩ đại. Một cuộc hiện xuống mới!

Trong Sách Công Vụ Các Tông Đồ đã nhiều lần các tông đồ khẳng định: “ChúaThánh Thần và chúng tôi quyết định”, trong dịp chọn Bảy phó tế và đặt tay truyền chức cho họ; dịp sai các tông đồ đi truyền giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô, phát biểu nhân kỷ niệm 50 thành lập định chế THĐGM: “Con đường của tính hiệp hành chính là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba”, ngài nhấn mạnh tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh (Vatican News 13/5/2023).

Đi vào Mục Vụ cụ thể.  Cái nhìn tổng quan: Hiệp Hành “cùng bước đi”   

A. Củng cố sự hiệp thông trong Gia Đình thì dựa trên trục Tình yêu và sự sống.

B. Củng cố sự hiệp thông trong Giáo Xứ, kinh qua qua 3 giai đoạn.

1. Tuyên xưng Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến: Lấy căn bản là phép Rửa tội, và các chân lý Kitô giáo (kinh Credo)

2. Thờ lạy: Thực hành tôn giáo qua Phụng vụ các bí tích, chóp đỉnh là Phép Thánh Thể.  Ngoài ra kinh nguyện sáng tối, chầu Mình Thánh Chúa, Đàng Thánh Giá, lần chuổi, đi kiệu, dâng hoa, và các hình thức khác.

3. Thực hành tôn giáo.  Sinh hoạt cộng đoàn gồm có những đặc thù riêng của từng giới từng đoàn thể như trẻ già, nam nữ, và các hoạt xã hội, thi hành đức bác ái qua các sinh hoạt Caritas dưới nhiều hình thức, như thăm viếng bệnh nhân, trợ cấp hằng tháng cho người bại liệt neo đơn…..

Củng cố sự hiệp thông trong Giáo phận: Căn bản như trong một giáo xứ, tuy nhiên rộng lớn hơn và quan trọng hơn nhiều vì đứng đầu giáo xứ là linh mục chính xứ, các ngài có tầm ảnh hưởng trên đoàn chiên được giao phó, các ngài có các sinh hoạt mục vụ với nhau, một lực đẩy cho sự đi lên của giáo phận.

a/ Tương quan linh mục với địa phận được thể hiện rõ nét trong các sinh hoạt có tính Giáo Hạt, Vùng miền, Địa phận.  Sự tham gia các hình thức như hội họp, tĩnh tâm, mừng bổn mạng địa phận.   Hưởng ứng và thi hành đường lối của TGM đề ra như :”Bì thư mùa Chay”, “Đóng góp ngày công cho giáo phận”. “Đồng Tiền Thánh Phê-rô”. Tham gia Quỹ tương thân tương ái của các linh mục hằng năm….

b/ Tham gia những thánh lễ đồng tế mang tính giáo phận như lễ Dầu, ngày phong chức thánh phó tế và linh mục, lễ Mẹ Măng Đen, Lễ kỷ niệm Cung hiến thánh đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lễ Thánh Cuénot Thể ….

Vài gợi ý suy nghĩ hội thảo

1.Việc hành hương về Thánh Địa Palestine, quê hương của Chúa, hay hành hương thủ đô tôn giáo Rôma sẽ làm vững mạnh đức tin và hiệp thông với Chúa và Giáo hội nhiều hơn.  Đời linh mục nên đi một lần chứ?

2. Liệu có đề xuất gì, hay sáng kiến nào khả thi làm tăng hiệu năng hiệp thông trong giáo phận? Một tờ báo điện tử? Một cổng thông tin giáo phận? Một văn phòng đón tiếp hay một meetting zalo?

3. Ông Thomas Merthon nói : “Không ai là một hòn đảo”.  Giáo xứ cũng thế, có tương quan hiệp thông với các giáo xứ bạn?

4. Chúng ta thường sống mối tương quan với các nước công giáo như Pháp- Anh – Mỹ – Úc và rất ít quan tâm đến các Giáo hội trong khu vực như Phi luật Tân, Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn quốc … Làm sao tạo mối quan hệ với các giáo hội lân cận như sự hiệp thông.

Kính cám ơn sự lắng nghe.

WGPKT(06/07/2023) KONTUM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.