Muối Men Cho Đời 252 | Bài Giảng Chúa Nhật XIII Mùa Thường Niên – Năm A | Mt 10:37-42 | Lm. Giuse Nguyễn Tường Vĩnh Lộc
Bài Giảng Chúa Nhật XIII Mùa Thường Niên – Năm A. Mt 10:37-42. Suy Niệm: Lm. Giuse Nguyễn Tường Vĩnh Lộc.
MUỐI MEN CHO ĐỜI
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XIII MÙA THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Tin mừng: MT 10:37-42
LINH MỤC Giuse Nguyễn Tường Vĩnh Lộc
Kính thưa quý ông bà anh chị em
Chúng ta vừa lắng nghe lời chúa của chúa nhật 13 thường niên, và từ được lặp đi lặp lại trong đoạn tin mừng này là “xứng đáng với thầy”, và “đón tiếp”. vậy làm sao để xứng đáng với chúa và đón tiếp như thế nào thì mới đúng ý chúa.
Đoạn tin mừng matthêu chúng ta nghe hôm nay nằm ở chương 10, ở đoạn nói về những đòi hỏi của người môn đệ khi bước theo chúa đi rao giảng tin mừng. sau khi nói về sứ mạng truyền giáo, chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải đặt ngài vào vị trí ưu tiên, trước hết và trên hết mọi sự, để từ đó các môn đệ mới mạnh dạn thực thi sứ vụ của mình, không nề hà. Theo chúa thì phải yêu mến ngài trên hết, phải quên mình. Quên mình là từ bỏ những gì liên quan đến con người và mọi liên hệ của bản thân từ sự sống cho đến tình cảm, kể cả tìnhcảm chính đáng là tình thân gia đình, nếu điều đó làm cản trở việc theo chúa. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. ở đây chúa giêsu không bảo các môn đệ không thảo hiếu với cha mẹ, nhưng là đặt đúng thứ tự: yêu chúa trên hết mọi sự, sau đó mới đến tình cảm gia đình. Chúa chỉ có ý muốn nói theo ngài thì không được để bị ràng buộc bởi gia đình. Chúa đòi chúng ta yêu mến ngài hơn tất cả, yêu mến và vác thập giá theo ngài. Nhưng dù là đòi hỏi cao như thế, chúng ta thấy vẫn có rất nhiều người đã đáp lại và đã trở nên xứng đáng với chúa. Các tông đồ, các thánh, các vị tử đạo đã sống và là 1 bằng chứng sống động cho chúng ta học hỏi và noi theo. Các ngài theo chúa rất can đảm, vui mừng đi theo chúa, dường như không lo sợ điều gì, mà còn cảm thấy rất vui khi được từ bỏ và hy sinh vì chúa. Như câu chuyện về cuộc tử đạo của thánh giáo phụ basiliô chẳng hạn.
Thánh Giáo phụ Basilio bị điệu ra tòa án Roma trước mặt Hoàng đế:
– Người bỏ đạo, ta sẽ ban cho chức cao lộc hậu.
– Lời dạy bảo của bệ hạ chỉ dạy dỗ được trẻ con. Kinh Thánh tôi dạy khác hẳn, nên thà chết hơn lìa bỏ đấng Kitô.
– Ngươi không biết trẫm là ai sao?
– Tôi không tuân lệnh bệ hạ đâu.
– Ngươi không biết ta có quyền ban chức tước cho ngươi sao?
– Chức tước bổng lộc có thể thay đổi như chính bệ hạ.
Thấy không thể lay chuyển lòng thánh nhân, vua đe tịch thu tài sản, tra tấn tù tội và giết.
– Tâu bệ hạ tôi chẳng có gia tài cho bệ hạ tịch biên. Lưu đày chăng? Tôi có quê thiên đàng. Tra tấn ư? Tôi sẵn sàng chịu vì Chúa. Giết tôi ư? Càng sớm về trời.
– Ngươi thật điên cuồng!
Tôi mong được điên mãi như thế này.
Hoàng Đế và triều thần phải thua cuộc trước đức tin của Basilio.
Thánh basiliô đã trở nên xứng đáng với chúa.
Vậy còn đón tiếp như thế nào mới đúng ý chúa. Đón tiếp tha nhân chính là đón nhận chúa kitô. Ngài đồng hóa mình với người môn đệ. “ai đón tiếp các con là đón tiếp thầy”. biết đón tiếp là bước khởi đầu của tình yêu.
Qua bài đọc sách các vua, một bà già son sẻ sang trọng miền Su-nêm rất giàu lòng quảng đại đã mời tiên tri Elisê dùng bữa khi tiên tri đi ngang qua. Do lòng quảng đại bác ái đó, bà đã khám phá ra đây là người của Thiên Chúa. Bà lại càng trân trọng tiếp đãi nồng hậu hơn: dọn phòng trên lầu, có giường, có ghế, có đèn… Qua nghĩa cử “cho khách đỗ nhà”, bà ta đã được đền đáp xứng đáng: sẽ có được con trai trong lúc hai ông bà đã cao niên nhờ lời cầu xin của tiên tri êlisê.
Ta có thể coi việc tiếp đón các mục tử tựa như tiếp đón các tiên tri, vì họ đã thi hành 1 sứ vụ được chuẩn nhận trong giáo hội; đón tiếp người công chính như những người được kính trọng trong cộng đoàn; đón tiếp người bé mọn là người tin vào đức kitô, vì họ cũng đáng được trân trọng và yêu mến. chung quy lại là đón tiếp môn dệ của chúa giêsu. Ta phải lưu tâm và phục vụ họ cả trong những chuyện bình thường nhất, như cho 1 ly nước lã. Vì bất cứ 1 sự lưu tâm nào đối với kẻ bé mọn nhất cũng là 1 sự lưu tâm đối với chúa. Trong kinh thánh, còn có nhiều gương mặt nổi bật về sự đón tiếp nồng hậu đó, như ông abraham đón tiếp 3 vị khách, như 3 chị em macta, maria, lazarô đón tiếp chúa giêsu và các môn đệ.
Xin kể 1 câu chuyện về việc tiếp đón chúa như sau: Chúa hứa với một người phụ nữ là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bài rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Rồi bà ngồi và đợi Chúa đến.
Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh được, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.
Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. nhưng không thấy chúa, bà chỉ thấy vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.
Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.
Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.
Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Rồi bà ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc mơ bà thấy Chúa đến và nói với bà: “Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta đi”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta xin chúa giúp chúng ta biết sống quảng đại, sẵn sàng đón tiếp và giúp đỡ mọi người, nhất là những kẻ nghèo khổ, bất hạnh, vì tin rằng khi tiếp đón họ, là tiếp đón chính Chúa. Nhưng trước hết, xin cho chúng ta có lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương đón tiếp mọi người như đón chính Chúa. Amen.