Đối Tượng Và Cách Thức Cầu Nguyện – Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên | Mt 6: 7-15 | Lm Cao Nhất Huy
Phần lớn chúng ta cũng hiểu đúng về đối tượng cầu nguyện là gặp gỡ Chúa, đặt Chúa lên trên hết, nhưng khi thực hành lại không phải thế! Nhiều khi chúng ta cho rằng cầu nguyện là đọc nhiều kinh, lần nhiều chuỗi, xin lễ nhiều tiền, đóng góp nhà thờ nhiều công sức, của cải… Một kiểu thực hành sai lạc như thế vô tình biến Thiên Chúa thành một công cụ phục vụ cho nhu cầu của chúng ta…
Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên
hiệp thông loan báo tin mừng
Ca nhập lễ: Tv 26: 7.9
Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu Chúa. Chính Ngài là Đấng phù trợ con, xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Bài đọc 1: 2 Cr 11: 1-11
Tôi đã rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, phải chi anh em chịu đựng được một chút điên rồ của tôi! Mà hẳn anh em chịu đựng được tôi. Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết. Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà E-và thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Ki-tô như vậy. Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giê-su khác với Đức Giê-su mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay. Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Đồ siêu đẳng kia. Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều đó rồi.
Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa? Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền luỵ ai, bởi vì các anh em từ Ma-kê-đô-ni-a đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy. Nhân danh chân lý của Đức Ki-tô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó trong các miền xứ A-khai-a. Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết!
Đáp ca: Tv 110: 1-2.3-4.7-8 (Đ. c.7a)
Đ. Lạy Chúa, những công trình tay Chúa thực hiện quả là chân thật và công minh.
Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa, trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội. Việc Chúa làm quả thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu.
Đ. Lạy Chúa, những công trình tay Chúa thực hiện quả là chân thật và công minh.
Sự nghiệp Chúa oai phong hiển hách, đức công chính của Người tồn tại thiên thu. Chúa đã truyền tưởng niệm những kỳ công của Người. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
Đ. Lạy Chúa, những công trình tay Chúa thực hiện quả là chân thật và công minh.
Những công trình tay Chúa thực hiện quả là chân thật và công minh. Huấn lệnh Người ban đều chắc chắn, bền vững đến muôn đời muôn thuở, căn cứ vào sự thật lẽ ngay.
Đ. Lạy Chúa, những công trình tay Chúa thực hiện quả là chân thật và công minh.
Tung hô Tin Mừng: x. Rm 8: 15bc
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng: “Áp-ba! Cha ơi!”. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mt 6: 7-15
Anh em hãy cầu nguyện như thế này.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ’”.
“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”.
Ca hiệp lễ: Tv 26: 4
Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời.
SUY NIỆM
ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁCH THỨC CẦU NGUYỆN
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại”
—/—
Phải chăng khi cầu nguyện là kể lể với Chúa mọi nỗi lòng của mình, còn tư thế phải đứng thẳng, ngồi xuống, quỳ gối, hay cúi rạp mình? Hoặc khi cầu nguyện tay phải mở ra, đóng lại, hay giơ lên cao hướng về Chúa? Hoặc mắt phải nhắm lại và phải ở trong nhà thờ? Những điều này hoàn toàn không đúng! Thiên Chúa nhậm lời chúng ta không dựa vào những điều đó.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ về đối tượng cầu nguyện và cách thức cầu nguyện.
– Về đối tượng cầu nguyện:
Ngài nhấn mạnh rằng, việc cầu nguyện đích thật là phải dâng lên cho Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”, chứ không phải với người đời như: “trong các hội đường, ngoài các ngã ba ngã tư đường, cho người ta thấy” (Mt 6: 5).
Kiểu cầu nguyện của dân ngoại, mục tiêu đầu tiên chỉ quan tâm làm sao cho dân chúng cảm kích chứ không phải là tiếp xúc với Chúa. Cho nên, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ “đừng bắt chước họ, vì cha anh em biết rõ anh em cần gì”. Vì thế, bất kể cầu nguyện chung hay riêng, đối tượng hướng tới đầu tiên phải là Chúa. Trong thứ tự của lời Kinh Lạy Cha, trước tiên phải là cầu cho: “Danh thánh cha vinh hiển, triều đại cha mau đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Nghĩa là trong lời cầu nguyện, chúng ta phải đặt Thiên Chúa ở chỗ tối cao, có vị trí xứng hợp với Ngài, thì sau đó mọi sự sẽ được thực hiện.
– Về cách thức cầu nguyện:
Sau khi hướng đối tượng cầu nguyện về Chúa thì chúng ta mới cầu xin cho các nhu cầu của mình, vì: “Cha anh em biết rõ anh em cần gì”. Còn cầu nguyện theo kiểu dân ngoại, là đặt con người và nhu cầu của ta lên trước, thì ta đang dẫn ý Chúa xuôi theo ý mình. Cầu nguyện đích thật phải là đem ý muốn của chúng ta tuân phục ý của Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26: 41).
Phần lớn chúng ta cũng hiểu đúng về đối tượng cầu nguyện là gặp gỡ Chúa, đặt Chúa lên trên hết, nhưng khi thực hành lại không phải thế! Nhiều khi chúng ta cho rằng cầu nguyện là đọc nhiều kinh, lần nhiều chuỗi, xin lễ nhiều tiền, đóng góp nhà thờ nhiều công sức, của cải… Một kiểu thực hành sai lạc như thế vô tình biến Thiên Chúa thành một công cụ phục vụ cho nhu cầu của chúng ta. Có nhiều người dùng tiền bạc để trao đổi ân sủng với Chúa, nghĩa là bỏ nhiều tiền vào nhà thờ thì hy vọng sẽ được nhiều ơn. Một số người khác thì quá “sùng đạo” đến độ cho rằng cố gắng lần chuỗi thật nhiều thì sẽ được ban ơn này ơn nọ, như thể Chúa, Mẹ cần những lời kinh của chúng ta để tồn tại.
Vì thế, chúng ta cần xác tín rằng: Cầu nguyện là thái độ khiêm tốn đặt mình trước Thiên Chúa và thiết lập mối tương quan mật thiết với Ngài, còn tất cả những điều khác như: đọc kinh, lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng, đọc Kinh Thánh, suy gẫm… chỉ là phương tiện để giúp đạt đến điều này. Sau khi đạt được mối tương quan tốt đẹp với Chúa thì tự khắc những điều khác Chúa sẽ ban cho, theo ý của Ngài (không phải ý của ta) (x. Mt 6: 33). Vì thế, chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện với Chúa của chúng ta rằng:
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
Cao Nhất Huy