Thứ Bảy, Tuần X Thường Niên: Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ

“Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.”
(Lc 2, 51)

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 5, 14-21
“Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến Đức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Đức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho mình, nhưng là cho Đấng đã chết và sống lại cho mình.

Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Đức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa. Ai ở trong Đức Kitô, (kẻ ấy) là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi; này mọi sự đã được đổi mới. Và mọi sự đều do Thiên Chúa, là Đấng giải hoà chúng ta với Người nhờ Đức Kitô, và đã trao chức vụ giải hoà cho chúng tôi. Chính Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, không còn quy trách tội lỗi cho họ nữa, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Đức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12
Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. – Đáp.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.

TIN MỪNG: Lc 2,41-52
41 Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. 42 Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua.
43 Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết.
44 Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
45 Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. 46 Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông.
47 Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
48 Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.
49 Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?”
50 Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
51 Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.
52 Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa

CÙNG NHỊP VỚI TRÁI TIM CHÚA

Đức Ma-ri-a, mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều đó trong lòng. (Lc 2,51)

Suy niệm: Với tiến bộ của y khoa hiện đại, việc cấy ghép tạng có thể cứu sống nhiều bệnh nhân trên bờ vực tử thần. Một trong những khó khăn của việc ghép tạng là cơ thể người được cấy ghép không tiếp nhận vật thể lạ.
Tuy không phải là việc cấy ghép đó, nhưng khi đón nhận từ Thiên Chúa sứ vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Ma-ri-a đã trải qua những khó khăn tương tự và còn cam go gấp bội phần. Ngay từ khi được truyền tin để thụ thai Ngôi Hai nhập thể làm người, Mẹ đã phải đối diện với những nan đề bí hiểm khó chấp nhận và không có lời giải đáp thoả đáng.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc lạc mất Đức Giê-su rồi tìm thấy trong đền thờ, Mẹ lại đụng phải một tình huống nan giải tương tự: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Nhưng Mẹ đã hoá giải những khúc mắc đó để trái tim Mẹ luôn đập cùng một nhịp với trái tim Chúa bằng cách “hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) với sự vâng phục trong đức tin và lòng mến.

Bạn thân mếnChúng ta cũng được trao sứ vụ thiêng liêng là cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa giống như Đức Mẹ. Chúng ta đã ý thức về sứ vụ đó như thế nào? Và chúng ta đã làm gì để có chung nhịp đập với Trái tim Chúa và Trái tim Mẹ khi thi hành sứ vụ đó? Hãy cùng Mẹ thưa “xin vâng” trong lòng tin mến và cùng Mẹ suy đi nghĩ lại ý Chúa thể hiện qua trong đời của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Dâng lời cầu xin Mẹ trợ giúp trong giờ suy niệm hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là nữ tỳ trung tín trong việc thi hành sứ vụ của Thiên Chúa. Xin hướng dẫn chúng con từng bước thực thi Lời của Thiên Chúa mỗi ngày trong cuộc sống.

B/ Mai Thi

TRÁI TIM BIẾT LẮNG NGHE, YÊU MẾN VÀ TÍN THÁC

Sau khi nguyên tổ loài người sa ngã phạm tội chống lại Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương ông bà Ađam – Evà. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, Đấng đến trần gian để giao hòa con người với Thiên Chúa (St 3,15) và phục hồi tình trạng ơn thánh đã bị đánh mất do ông bà nguyên tổ gây ra.

Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Chúa Giêsu, để cộng tác cho công trình cứu chuộc nhân loại của Ngài. Khi nói lời fiat, Mẹ Maria đã để cho Thiên Chúa hoàn toàn sử dụng Mẹ cho kế hoạch tình yêu của Ngài và để cứu rỗi nhân loại bằng giá máu của Con Ngài. Bằng việc lắng nghe, yêu mến và tín thác, trái tim của Mẹ Maria đã hoàn toàn hiến tế, thuộc trọn về Chúa, và trong vai trò của mình, Mẹ Maria đã dâng tất cả tình yêu cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Suy niệm về điều này, thánh Bernadino thành Siena (1380-1444), vị thánh Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ đã viết: “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt”.

Suốt cuộc đời của Mẹ Maria là lời thưa vâng, đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Đời của Mẹ là bài ca cảm tạ, tri ân không ngừng bởi Mẹ là con người của sự lắng nghe, yêu mến và tín thác. Mẹ đã giữ kỹ những điều Mẹ đã cảm nghiệm và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2, 51). Cả cuộc đời Mẹ Maria là cuộc đời xin vâng, thể hiện qua trái tim nhạy bén, luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Như Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ Maria đã hiến tế con tim tình yêu vẹn toàn của mình cho Thiên Chúa, trái tim của Mẹ đã rộng mở để đón nhận mọi người. Thánh Bênađô quả có lý khi viết: “Tình Chúa yêu thương chiếm trọn Trái Tim Mẹ Maria, đến nỗi Trái Tim Mẹ đầy tràn tình yêu, vì Thiên Chúa không làm bùng lên tình yêu trong trái tim nào khác như trong Trái Tim Rất Thánh Nữ Trinh. Và vì Mẹ thoát khỏi mọi dính bén thế tục để Mẹ lãnh nhận được ngọn lửa thánh này”.

Hành trình đời Mẹ là hành trình của niềm tin, sự tín thác, cậy trông và gắn kết đời mình nơi kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Trái tim của Mẹ luôn cùng một nhịp đập với trái tim Chúa: cả cuộc đời Mẹ, trái tim vẫn luôn rung nhịp vâng theo thánh ý Thiên Chúa giữa bao nghịch cảnh. Mẹ vâng phục Thiên Chúa và tín thác nơi Ngài ở mọi nơi, mọi lúc, mọi biến cố, mọi phút giây. Trong biến cố hạ sinh con nơi hang bò lừa giữa cánh đồng hoang vu đêm khuya gió rét, biến cố trốn sang Ai Cập, dâng con trong Đền thờ, ẩn cư tại Nazareth… ở mọi thời khắc Mẹ Maria đều thinh lặng, nhưng con tim ghi nhớ và suy niệm trong lòng (x. Lc 2,19). Cả biến cố dưới chân thánh giá, Mẹ chứng kiến cái chết nhục nhã của người con dấu yêu, trái tim của Mẹ nát tan vì khổ đau. Tuy nhiên trong tất cả những biến cố thử thách đó Mẹ luôn thinh lặng và tiếp tục thinh lặng để ghi nhớ cũng như suy đi gẫm lại trong lòng (Lc 2, 51).

Mẹ Maria là con người của lắng nghe, yêu mến và tín thác. Trái tim cực sạch Mẹ hết lòng yêu thương chúng ta. Trái tim cực sạch của Ngài đồng nghĩa với tình yêu chân thật, giống như tình yêu Con Ngài đối với chúng ta. Mẹ đi con đường thập giá của Chúa Kitô nhờ đó sứ mạng cộng tác với Chúa trong ơn cứu độ mới được thành toàn. Về phần chúng ta, Mẹ cũng muốn chúng con cùng Mẹ lặp lại lời “xin vâng” mỗi ngày: xin vâng trong mọi nơi mọi lúc, xin vâng để luôn lắng nghe Lời Chúa, xin vâng để biết quên mình và sống yêu thương người khác. Hãy bắt chước “Đức Trinh Nữ Maria ghi nhớ Lời Chúa và suy niệm trong lòng” trong tin tưởng, phó thác và mến yêu.

Bên cạnh đó, giống như Mẹ Maria, Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta: ai ai cũng đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria dành cho tất cả tâm tình và tình thương mà Mẹ đã dành cho Đức Giêsu, con Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria dành cho một chỗ đặc biệt trong trái tim Mẹ.

Mẹ Maria “đọc” các biến cố xảy ra trong đời mình bằng trái tim chứ không phải khối óc. Và đó là hành trình của niềm tin, sự tín thác và cậy trông nơi kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria là dấu chỉ của tình yêu, nhưng là tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với Đức Giêsu Kitô, con yêu dấu của Mẹ. Tất nhiên trong tư cách là chi thể của một thân thể mầu nhiệm chúng ta cũng được hưởng niềm vui và hạnh phúc đó trong cuộc đời. Chính vì thế Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Trái tim Mẹ Maria đã luôn luôn theo sát sự nghiệp Con mình, và cũng đập cùng một nhịp thương mến đối với tất cả những ai mà Đức Kitô đã và đang ấp ủ trong tình thương mến vô biên của Người”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.