Thứ Hai, Tuần X Thường Niên

“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng
dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”,
(Mt 5, 12)

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 1, 1-7
“Thiên Chúa an ủi chúng tôi để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân”.

Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Phaolô, Tông đồ của Đức Giêsu Kitô do ý Thiên Chúa, và anh Timôthêu kính gởi Hội thánh Thiên Chúa tại Côrintô và hết thảy các thánh ở khắp miền Acaia: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi. Bởi vì cũng như các nỗi đau khổ của Đức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy. Nếu chúng tôi chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được uỷ lạo là cho anh em được uỷ lạo và được cứu rỗi; niềm an ủi đó sẽ làm cho anh em kiên nhẫn chịu các nỗi đau khổ mà chính chúng tôi cũng đang chịu, hầu cho niềm hy vọng của chúng tôi về anh em được vững mạnh, (vì) biết rằng nếu anh em thông phần vào các nỗi đau khổ, thì anh em cũng sẽ thông phần vào niềm an ủi.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Đáp:
 Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen NgườiTrong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Đáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh NgườiTôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. – Đáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặtKìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.

4) Thiên thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họCác bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường baoPhúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người– Đáp.

TIN MỪNG: Mt 5, 1-12
1 Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2Người mở miệng dạy họ rằng:
3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa

HẠNH PHÚC THẬT

“Phúc thay anh em, khi vì Thầy mà bị người ta vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12)

Suy niệm: Trả lời cho câu hỏi thế nào là hạnh phúc, hẳn là mười người có mười câu trả lời khác nhau. Có người cho rằng ‘có tiền mua tiên cũng được’ nên phải có nhiều tiền thì mới hạnh phúc. Có người chỉ cảm thấy hạnh phúc khi sở hữu thật nhiều của cải, được ăn sung mặc sướng. Có người mong tìm thấy tột đỉnh hạnh phúc khi nắm giữ mọi quyền lực trong tay… Tuy nhiên, tất cả những thứ đó lại không phải là hạnh phúc thật, bởi vì trước hết chúng rất tạm bợ chóng qua, và sau nữa chúng cũng không làm thoả mãn được khát vọng sâu thẳm nơi tâm hồn con người.
Chính vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su dạy cho chúng ta biết có tám con đường đưa tới hạnh phúc thật. Cả tám con đường ấy đều khác xa với quan điểm thông thường của con người về hạnh phúc, bởi vì điểm đến chung của chúng là hạnh phúc tròn đầy và vĩnh cửu, và phải trải qua hy sinh, đau khổ của thập giá mới có thể đạt tới được.

Mời Bạn: Hạnh phúc do Chúa ban luôn ở trong tầm tay bạn nhưng đồng thời cái giá phải trả cũng không hề rẻ. Muốn có được hạnh phúc của Chúa, bạn phải cố gắng và nỗ lực chiến đấu mỗi ngày để đi theo con đường Tám mối phúc thật. Bạn có muốn “lội ngược dòng” đối với thế gian để đi theo con đường này không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một mối phúc, ví dụ chọn mối phúc hiền lành, để quyết tâm thực hiện và tiếp tục hôm sau chọn thực hành một mối phúc khác.

Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu. Này con chiến đấu, này con chiến thắng, tươi sáng hy vọng.”

B/ Mai Thi

KHAO KHÁT NÊN NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Có một nhận định khá đau lòng rằng: Nhân loại ngày nay dường như thiếu, không quan tâm đủ hay cố tình bỏ qua việc sống công chính. Tại sao thiếu công chính trong xã hội lại là điều đáng báo động, là một thất bại, một khiếm khuyết của đời sống hạnh phúc con người? Trong đời sống đạo, tại sao công chính lại là điều quan trọng và cần thiết đối với người Kitô hữu như thế? Tại sao người môn đệ Đức Kitô phải khao khát nên người công chính?

Công chính là một trong tám đức tính căn bản của Hiến Chương Nước Trời. Nước Trời hiểu đơn giản là nước hạnh phúc. Nhưng sự công chính mà Chúa Giêsu đề nghị trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 5, 1-12) không phải là thứ công chính mà thế gian tìm kiếm, không chỉ đạt tới sự công bình chính trực là xong, bởi vì rất nhiều khi sự công chính hay công lý mà trần gian cổ súy lại chỉ là bị phe này hay phe kia lèo lái. Tất nhiên sự công chính đúng nghĩa thì vẫn cần thiết cho đời sống con người và xã hội nhưng là con cái của Chúa, chúng ta được yêu cầu nhiều hơn, cao hơn, quyết liệt hơn: nên người công chính trước mặt Thiên Chúa.

Theo tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate: Khao khát tìm kiếm sự công chính, đó chính là sự thánh thiện. Và đây là điều đó bó buộc đối với tất cả mọi Kitô hữu. Đây cũng là điều Chúa Giêsu muốn nói trong bài Tin mừng hôm nay.

Mối Phúc thứ tư: “Phúc thay những ai khao khát sự công chính vì họ sẽ được no thỏa” (Mt 5, 6). Chúa Giêsu không chỉ nói về sự đói khát công lý cá nhân và xã hội, mà còn hướng đến một lòng khao khát sự công chính thánh thiện, sự khắc khoải kiếm tìm để được ở trong thế giới của Thiên Chúa, để chiếm đoạt được Thiên Chúa. Như thế, khao khát sự công chính không chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa con người với nhau hoặc mối quan hệ trong xã hội như các phương diện về nhân quyền, liêm chính, thành thật…. mà hơn thế nữa nhắm đến mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa.

Con người sinh ra được Thiên Chúa phú bẩm cho biết đâu là điều hay lẽ phải, tự biết những gì cao quý thiện lành và những gì xấu xa, tội lỗi. Khao khát sự công chính, khát khao nên người công chính là ước mong và vươn tới những gì thiện lành, vì cuộc đời này luôn luôn thiếu vắng nó cách này cách khác, vì cuộc đời càng ngày càng thấy băng hoại hơn. Chỉ ở trong nước trời mới có công chính thực sự, vì nơi nước trời có Chúa là nguồn thiện lành và công chính, nhưng ngay ở đời này chúng ta sẽ được hưởng nếu có khát khao, nếu có ước ao mãnh liệt.

Bao lâu còn ở trần gian này thì lời Thánh Vịnh 63 diễn tả chân thực khát khao của con người: “Lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa của con, con khao khát Chúa; tâm hồn con khao khát Chúa”. Cũng một tâm tình như vậy, thánh Augustinô cũng tự thổ lộ về đời sống nội tâm của mình: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con không tìm thấy sự bình an cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” (Tự Thú, I, 1).

Tóm lại, Kitô hữu khát khao nên người công chính, khát khao sống theo tinh thần tám mối phúc không đơn giản chút nào nhưng cứ khát khao, cứ chân thành, cứ cố gắng chúng ta sẽ được Chúa cho thỏa lòng: lòng khao khát sự công chính của chúng ta sẽ được thoả mãn bởi tình yêu mà Thiên Chúa tuôn đổ trên tất cả con cái Ngài.

C/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

TÁM MỐI PHÚC THẬT 

Hôm nay Chúa Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là: tinh thần nghèo khó, hiền lành, chịu đau buồn vì Chúa, khao khát điều công chính và sẵn sàng nhận bị bách hại vì điều công chính đó, hãy thương xót người, có lòng trong sạch, ăn ở thuận hoà. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước trời.

Hạnh phúc! Một điều mơ ước muôn thuở của con người. Tuy người ta chưa đồng ý với nhau về một định nghĩa của hạnh phúc, nhưng mọi người đều nỗ lực tìm đến hạnh phúc bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ giá nào. Giấc mơ lớn nhất của con người là hạnh phúc. Từ xa xưa, triết gia Aristote đã cảm nghiệm được điều này khi ông nói: “Hạnh phúc là một cái mà tất cả mọi người đều tìm kiếm”. Còn triết gia Blaise Pascal bảo rằng: “Ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả người thắt cổ tự tử”.

Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:

  • Mặt tiêu cực: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này… (nói cách khác: không màng đến nước trần gian).
  • Mặt tích cực:chỉ ước ao sống tốt theo thánh ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước trời).

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa (Lm. Carôlô)

Vậy hạnh phúc là gì? Thực ra chưa có một định nghĩa nào về hạnh phúc khả dĩ thúc đẩy mọi người phải công nhận, nhưng xét cho cùng, đối với chúng ta thì hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.

Con người trần thế tìm đủ mọi cách để dành cho được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra  những cuộc chiến tranh tương tàn khốc hại… Đang khi đó Chúa Giêsu lại cho nghèo là một mối phúc. Chắc chắn Ngài không ủng hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn cho con người có được sự giàu sang vĩnh cửu: được cả Nước trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu sang chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc chóng vánh ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang vĩnh viễn ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Đó là “nghèo”:

  • Nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị, trái lại phục vụ trong khiêm tốn;
  • Làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em.

Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới  này chỉ có tình mến chan hòa. Nghèo như thế mới là hạnh phúc (5 phút Lời Chúa).

Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về quê hương đích thực là Thiên quốc. Tuy nhiên, niềm tin tưởng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Đây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời (Mỗi ngày một tin vui).

TruyệnQuỷ dữ cũng khát khao hạnh phúc

Một hôm khi cầu nguyện, một linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:

  • Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: đâu là hạnh phúc nhất?
  • Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là con số không.
  • Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng?
  • Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hoả ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc (Chờ đợi Chúa).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.