Muối Men Cho Đời 249 | Bài Giảng Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu | Ga 6: 51 – 59 | Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn

Muối Men Cho Đời 249 | Bài Giảng Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu | Ga 6: 51 – 59 | Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta vừa cử hành Chúa nhật vừa qua, có thể tiếp tục cảm nếm và đụng chạm được nơi Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên nhục thể ở giữa con người. Theo Tin Mừng Gioan, đó là tình yêu đến nỗi trao ban chính Con Một, trao hiến cả chính mình cho người mình yêu. Cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hôm nay, Giáo hội muốn giúp người Kitô hữu tái khám phá sự hiện diện thực sự của Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể và tiếp tục làm cho Mầu Nhiệm Cao Cả này sống động đến muôn đời… 

MUỐI MEN CHO ĐỜI
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU
NĂM A

Tin mừng: Ga 6:51-59
LINH MỤC PHAOLÔ NGUYỄN THANH TUẤN

 

THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM ĐỨC TIN VÀ LỚN LÊN TRONG ĐỨC MẾN

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta vừa cử hành Chúa nhật vừa qua, có thể tiếp tục cảm nếm và đụng chạm được nơi Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên nhục thể ở giữa con người. Theo Tin Mừng Gioan, đó là tình yêu đến nỗi trao ban chính Con Một, trao hiến cả chính mình cho người mình yêu. Cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hôm nay, Giáo hội muốn giúp người Kitô hữu tái khám phá sự hiện diện thực sự của Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể và tiếp tục làm cho Mầu Nhiệm Cao Cả này sống động đến muôn đời.

***

Khung cảnh trang Tin Mừng vừa được công bố, nằm trong phần gần kết của chương 6 Tin Mừng Gioan, nơi đây một diễn từ về bánh trường sinh đã được thánh sử triển khai, đi sau phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu. Bước khởi đầu của diễn từ là việc Chúa đã sớm chất vấn động lực thúc đẩy đám đông tìm kiếm Người: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26-27). Sự chất vấn này như dẫn dắt cử tọa năm xưa và cả cộng đoàn chúng ta ngày nay, tiệm tiến đi vào một mầu nhiệm đức tin, một ý nghĩa đích thực của hy tế tạ ơn nơi mỗi Thánh lễ hôm nay.

1. Thánh Thể, mầu nhiệm đức tin.

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” được đặt đối lập trước đó với dấu lạ manna cũng từ trời xuống, manna mà tổ tiên người Dothái đã ăn và đã chết, trong hành trình qua sa mạc tiến vào đất hứa. Tất cả đều do bởi tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, qua sự chăm sóc ân cần của Ngài với dân Dothái năm xưa; nhưng đỉnh cao là với những ai tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến, là chính Chúa Giêsu Kitô. Hẳn là lúc này, với thân xác người phàm, Đức Giêsu không lấy thịt và máu mình cho họ ăn được. Nhưng sau này, khi đọc lại những lời mạc khải này dưới ánh sáng phục sinh của Đức Kitô, độc giả của Gioan hay người tín hữu mới có thể hiểu rằng chính qua cái chết và sự phục sinh, như con chiên bị đem đi sát tế, Chúa Giêsu đã trở nên thịt và máu làm của ăn, của uống cho muôn người. Bí tích Thánh Thể là đây, vừa đúc kết vừa tổng hợp đức tin Công giáo (GLHTCG 1127).  

Thật vậy, Thánh Thể là dấu chỉ hữu hiệu của lòng thương xót, của một tình yêu “cho đến cùng” (x. Ga 13,1), hay như cách trình bày của Tin Mừng Nhất Lãm, đó là một tình yêu “hiến tế vì anh em” và “đổ ra vì anh em” (x. Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20). Thư gửi tín hữu Dothái còn trình bày sự cao quý của Giao ước mới, rằng “Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14-15). Như thế, mầu nhiệm Thánh Thể chẳng khơi lên trong tâm hồn chúng ta một sự kinh ngạc đó sao? Không phải do công trạng hay sự tốt lành của người nhận lãnh nhưng chính là quà tặng vô điều kiện của Thiên Chúa! Nói như thánh tiến sĩ Tôma Aquinô, điều không thể hiểu thấu, không thể xem thấy được, thì chỉ có thể chiêm ngắm bằng đôi mắt đức tin. Và còn gì hơn là “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24).

2. Thánh Thể lớn lên trong đức mến.

Khi đón nhận Mình và Máu Chúa, không những mỗi Kitô hữu đón nhận Đức Kitô, mà chính Chúa còn đón nhận mỗi người chúng ta. Ngài thắt chặt tình bằng hữu với chúng ta (x. Ga 15,14), cho chúng ta được ở lại và sống nhờ Ngài (x. Ga 5,56-57). Hơn nữa, sự thông hiệp vào Mình và Máu Đức Kitô còn trao ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, như lời Kinh nguyện Thánh thể III đã diễn tả: xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Ðức Kitô . Thật vậy, Chúa Thánh Thần là tình yêu liên kết Cha và Con, nên Ngài sẽ làm cho cộng đoàn cử hành trở thành thân thể Giáo Hội sống động của Đức Kitô. Năm nay cũng ghi nhớ tròn 20 năm (2003-2023), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã ban hành thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể ( Ecclesia de Eucharistia ), văn kiện nhằm khơi dậy tâm tình yêu mến, ngưỡng mộ cũng như nhấn mạnh vị trí trung tâm của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội và mỗi Kitô hữu.

Trong một số nhà thờ, nơi gian cung thánh hay cửa nhà tạm có chạm trổ hình con chim bồ nông mẹ nuôi đàn con nhỏ. Một biểu tượng có gốc tích trong truyền thuyết cổ xuất hiện trước thời Kitô giáo. Theo truyền thuyết này, trong mùa đói khát, không kiếm được mồi, mà đàn con thì háu đói kêu la, chim mẹ không cầm lòng được, đã tự dùng mỏ mổ vào ngực mình cho chảy máu, nhỏ xuống từng giọt cho các con được uống no nê. Sau “bữa tiệc” thịnh soạn ấy, người ta đã nhìn thấy nơi mỏ của chim mẹ còn nhỏ một dòng máu tươi, trong khi những con chim con thì nằm im lìm, no thỏa lương thực tình yêu mẫu tử. Một phiên bản khác kể là bồ nông mẹ dùng máu của mình nuôi đàn con sắp chết đói, cuối cùng vì kiệt sức, chim mẹ lại mất mạng vì đã hiến máu mình nuôi sống các con. Thế nên, chúng ta dễ hiểu tại sao các Kitô hữu thời sơ khai đã dùng hình ảnh sống động này để ám chỉ Chúa Giêsu Kitô. Bồ nông tượng trưng cho Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống để cứu độ chúng ta qua cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Người. Hơn nữa, Người vẫn tiếp tục nuôi sống chúng ta trong Bí tích Thánh Thể được cử hành mỗi ngày. Thánh Tôma Aquinô, trong một bài thánh thi ( Adoro te devote ), cũng đã thốt lên: “ Lạy Chúa Giêsu  là như chim mẹ nuôi con, xin rửa sạch con bằng Máu Thánh Chúa. Vì chỉ một giọt máu Chúa cũng đủ làm cho tội cả loài người được sạch trong ”. Ôi cao vời mà cũng rất gần gũi mầu nhiệm cao cả – mầu nhiệm tình yêu.

“Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận” . Trước lời mời gọi của chủ tế nơi mỗi phụng vụ Thánh lễ, chúng ta sẽ chuẩn bị lễ dâng gì, để đặt trên đĩa thánh, hợp cùng hiến lễ của Đức Kitô mà dâng lên Chúa Cha, thưa cộng đoàn? Nếu là hiện thân của Đức Kitô, cuộc đời của người linh mục cần được hiến tế, cần được bẻ ra, nói như cha Antoine Chevrier: “Linh mục là một con người bị ăn”. Cũng vậy, nơi những tu sĩ nam nữ, lễ dâng là niềm vui đời dâng hiến, đặc biệt trong chứng tá về sống các lời khuyên Phúc Âm. Còn nơi gia đình, lễ dâng của ông bà và cha mẹ – những vị thánh bên cạnh cửa nhà – nói như Đức Phanxicô là sự tần tảo, hy sinh tất cả cho vợ chồng, con cái. Nơi các bạn trẻ, lễ dâng đó là sự hăng say học tập và dấn thân phục vụ, cũng như can đảm nói không trước những mưu chước cám dỗ. Nơi những người đau bệnh, ý thức lễ dâng cuộc đời giúp họ bình an đón nhận và phó thác vào tình yêu Chúa. Và sau hết, nói về sự cao trọng và sống còn của Bí tích Thánh Thể, thánh Gioan Maria Vianney nhắn nhủ rằng: “Không rước lễ thì giống như chết khát bên dòng suối”. Với Bí tích Thánh Thể, chúng ta được cứu độ ở đây, lúc này và ngay bây giờ.

Chúng ta có thể cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã trao ban Mình Máu Ngài làm lương thực thần linh cho chúng con. Xin giúp chúng con luôn chuẩn bị tâm hồn đón rước Chúa cách xứng đáng, để luôn được thánh hóa và kết hợp cùng Ngài lễ dâng cuộc đời chúng con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.