Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm A (Ga 6:51-58) | Giáo Phận Phú Cường
Trong bài giảng về Bánh hằng Sống này, sau khi đã phân biệt hai thứ bánh, bánh vật chất nuôi xác thịt và Bánh thiêng liêng nuôi linh hồn (6,26-34) và sau khi tuyên bố Bánh bởi trời xuống chính là Thánh Thể Người và Người bó buộc mọi người phải tin và phải ăn Người mới được, sống đời đời (6,34-37) thì ở đây, Chúa Giêsu nói về Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ lập sau này (6,52-59)…
Chú Giải Tin Mừng
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa – Năm A
TIN MỪNG: Ga 6:51-58
Noel Quesson – Chú Giải
Khác với ba Tin Mừng nhất lãm, thánh Gioan không thuật lại việc thiết lập Thánh Thể, chiều ngày thứ năm tuần Thánh. Nhưng sau khi hoá bánh ra nhiều lúc Đức Giêsu phân phát lương thực trần gian cho những người đói khổ, thánh sử đã đặt vào miệng Đức Giêsu một bài giảng dài về “bánh hằng sống bánh ban sự sống muôn đời”…
Theo một văn phong điểm hình của thánh Gioan, trang Tin Mừng ngắn mà chúng ta đọc hôm nay chứa đựng năm từ –chìa khoá : ăn (8 lần) ..uống (4 lần)..thịt (5 lần)…máu (4 lần)..sống (9 lần)..phải để mình cuốn hút vào giọng nói có nhịp điệu ấy và dám vượt ra ngoài ngôn ngữ và ý tưởng trong sáng. Sự gặp gỡ với mầu nhiệm Thiên Chúa không bao giờ ban cho người nào gắn chặt và bám víu vào cái tri giác được, vào nhân tính và sự duy lý.
” Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”
Bánh ? Dẫu sao cũng là một vật rất đơn giản và rất con người. Đối Với toàn bộ vùng duyên hải của biển Địa trung hải, “bánh” (bánh mì) là lương thực căn bản, như khoai mì đối với châu Phi và lúa gạo đối với châu A. Bánh cũng là biểu tượng cho sự sống. Ai không ăn chẳng bao lâu sẽ chết …và ai không ngon sẽ phải đến bác sĩ, vì đó là dấu hiệu có cái gì không ổn cho sức khỏe của mình.
Nhưng sau đó chúng ta được phóng lên trên những từ ngữ của Đức Giêsu nói người là bánh lương thực nuôi sống. Hơn thế nữa người còn khẳng định rằng lương thực ấy thiêng liêng, từ trời xuống…Và đó là bánh hằng sống ! Vậy thì đó là một thứ bánh tra hỏi chúng ta về bản chất cái đói của chúng ta. Đối với tôi sống có nghĩa là gì ? Nếu tôi không muốn ăn thánh thể, chứng bệnh thiếu máu nào rình chờ tôi ? Tôi nuôi sống mình bằng gì ? Phải chăng bằng tài sản ? Bằng lạc thú ? Bằng tiêu thụ ? Bằng lao động ? Những sở thích tự phát và sơ đẳng của tôi là gì ?
“Ai án bánh này sẽ được sống muôn đời “.
Có nhiều trình độ sống khác nhau. Pascal đã nói đến ba cấp độ của sự cao cả Những sự cao cả của xác phàm những sự cao cả của tinh thần và sau cùng sự cao cả của thánh thiện … “gom tất cả thân thể lại, người ta không thể làm ra một tư tưởng nhỏ điều đó không thể làm được và tư tưởng thuộc về một trật tự khác. Gom tất cả thân thể và tinh thần lại người ta không thể rút ra một vận động của bác ái chân thật, điều đó không thể làm được là bác ái thuộc về một trật tự khác. trật tự siêu nhiên”. (Tư tưởng 585). Dĩ nhiên là có sự sống của thân thể, thuộc sinh học, đúng theo bản chất của nó là đẹp và mong manh. Một nhãn hiệu quần dài vừa qua đã treo một biểu ngữ quảng cáo với lý tưởng đó : “Bạn hãy để cho thân thể bạn phát biểu.. người ta thấy mình đang ở trình độ nào ! nhưng đời sống thật của con người là đời sống trí thức : chính tư tưởng phân biệt con người với thú vật. Và chúng ta còn có một đời sống tâm linh : điều quan trọng lúc đó là yêu thương chân thật.
Đức Giêsu không ngừng nghĩ đến “đời sống thánh thiêng “đời sống muôn đời” như Người nói.
“Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
Những thánh sử khác dùng một từ khác : “Này là mình Thầy”. Còn Gioan đã nói về sự nhập Thể đã sử dụng chữ “thịt”được dịch ra tiếng Việt là người phàm”. Và Ngôi lời đã trở thành người phàm” (Gioan 1,14)… “Đức Kitô đã đến và trở nên người phàm (1 Gioan 4,2). Gioan nhấn mạnh nhiều trên tính hiện thực của Đức Giêsu : điều chúng tôi đã thấy tận mắt và tay chúng tôi đã chạm đến (1 Gioan 1,1). Người phàm theo nghĩa Kinh Thánh,
Trước tiên không phải là bản chất thể lý mà chúng ta còn Gọi là thịt, xác thịt… mà là toàn bộ “hữu thể sống”, là ngôi Vị trọn vẹn “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là tôi, tất cả sự sống tôi”. Khi nói về “thịt tôi đây”, như trong câu này, Đức Giêsu ám chỉ đến cái chết của Người. Khái niệm này rất quan trọng : Đức Giêsu phải đi qua cái chết để chúng ta được nuôi sống bởi Người… Người phải đi qua cái chết chúng ta được sống.
Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?”
Không phải chỉ ngày nay Thánh Thể bị từ chối. Ngay từ ngày đầu tiên, người ta đã gào lên “điên rồ !” Ai bám víu vào sự lĩnh hội ngay lập tức của các từ ngữ sẽ không thể đạt đến điều Đức Giêsu muốn nói :
Đức Giêsu nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”.
Không nao núng. Đức Giêsu còn nói thêm ! Người không tìm cách để tránh gây thương tổn. Cho đến lúc này. Người chỉ nói “ăn” thịt Người… Người nhấn mạnh thêm khi nói rằng phải “uống” máu Người. Sự ám chỉ và máu nhắc nhớ đến nghi thức hiến tế chiên vượt qua nơi những người Do Thái. Đối với tâm thức của người Do Thái, uống máu là một điều cấm kỵ, một sự cấm kỵ thiêng liêng… không chỉ không được phép mà còn ghê tởm, phạm thánh. Ngay cả thịt các động vật phải để cho nhỏ hết máu trước khi được ăn bởi vì máu là sự sống (Lê vi 17,11-14 ; Đệ nhị luật 12,23).
Nhưng thực tại văn hóa ấy, mà từ “máu” chuyển tải trong tư tưởng Thánh Kinh cho thấy rõ ràng không chỉ là thứ chất lỏng gồm các hồng cầu và bạch cầu. Máu mà Đức Giêsu nói đến, chính là sự mới sẽ đến từ cái chết của Người. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng thực tại mầu nhiệm của Mình và Máu mà chúng ta tiếp nhận chính là “thân thể vinh quang và thiêng liêng của Đức Giêsu đã Chết và đã sống lại. Về vấn đề này, phải đọc lại sự khai triển của Thánh Phaolô : “Cái người gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên nhưng là một hạt trơ trụi, như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý người muốn : Giống nào hình thể nấy… Việc kẻ chết sống lại cũng vậy : gieo xuống thì hư nát. mà trỗi dậy thì bất diệt ; gieo xuống thì hèn hạ mà trỗi dậy thì vinh quang ; gieo xuống thì yếu đuối mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí…” (l Cô-rin-tô 15,37-42).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.
Sự vượt qua phi thường của các từ ngữ mà chúng ta được mời gọi trong đức tin, không nên làm cho chúng ta đi đến một ý nghĩa chỉ thuốc là ẩn dụ hoặc làm dịu đi. Ơ đây Gioan thình lình thay thế từ “phagein”, “ăn” mà ngài đã dùng cho đến lúc này… bằng từ “trôgei” mang tính hiện thực nhiều hơn và có nghĩa là “nhai” ! Mọi bản dịch đều ngần ngại đi theo thánh sử tới đó ! Tuy nhiên, ở đây chúng ta có một ghi nhận văn hóa quan trọng : trong bữa vượt qua, con cái ít-ra-en được khuyên bảo phải nhai kỹ thức ăn như để hấp thụ thức ăn ấy tốt hơn… Chính Đức Giêsu ám chỉ đến tập tục đó. Và trong điều đó, không có gì là ma thuật..nhưng là một sự tượng trưng sâu xa rất hiện thực và rất có ý nghĩa bởi vì đời sống thiêng liêng của chúng ta được nuôi dưỡng và diễn tả bằng thân thể.
“Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”.
Từ “thật” được lặp lại hai lần. Đức Giêsu , nhất là trong Tin Mừng của Gioan không ngừng đi từ một thực tại hữu hình đến một thực tại khác sâu la hơn. Con người khát vọng sự viên mãn. Điều mà con người đã có kinh nghiệm về niệm vui tình yêu, sự sống làm cho con người ước mơ niềm vui sau cùng, không phức tạp, một tình yêu hoàn toàn làm thỏa mãn, môt đời sống không có sự chết. Lịch sử nhân loại là một lịch sự dài của những ước mơ bị tước đoạt những khát vọng thất bại. Đức Giêsu dám đề nghị sự sống thật, lương thực thật.
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.
ở đây có một từ mà thánh Gioan hay dùng : ở lại ! Đề tài này sẽ còn được phát triển dài vào buổi chiều thứ Năm Tuần Thánh, trong bài văn phúng dụ về cây nho : ..Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Gioan 15.5).
Một trong những lời tự phụ nhất mà một con người bình thường không bao giờ phát biểu. Lời gây vấp ngã, nếu đó
không phải là lời của Thiên Chúa.
“Nhai thịt”. … “uống máu”… Khi Gioan viết những lời này các Kitô hữu đã cử hành bữa ăn mầu nhiệm Thánh Thể, tức thánh lễ. Thật vậy trong thánh lễ có hai dấu chỉ phân biệt : bánh, chất rắn phải ăn… rượu nho, chất lỏng phải uống… Và có hai lời phân biệt : “này là mình Thầy bị nộp” “này là máu Thầy đổ ra…”
Thịt… Máu… Làm thế nào mà không nghĩ đến cách cụ thể mà Đức Giêsu đã chết trên thập giá ! Thánh lễ đưa chúng ta về Gôn-gô-tha nghĩa là hy tế đổ máu của Đấng đã ban cho tất cả một cách tự do. Hiệp thông với Đức Giêsu, không thể chỉ là một phần của phút trong đó chúng ta hiệp nhất với Người. Điều đó cũng phải là toàn bộ thời gian và bề dày của đời sống chúng ta mỗi ngày… được hiến dâng tình yêu.
Và đó là “ở lại” trong Đức Giêsu.
Và đó là “sự sống” theo Đức Giêsu … sự sống thật.
Sự hiệp lễ Thánh Thể chỉ có ý nghĩa khi nó biểu lộ và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong cuộc sống. Và một cách cụ thể của mỗi người chúng ta biết rất rõ trong cuộc sống hàng ngày điều đó có ý nghĩa là gì.
“Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.
Đây là một trong những công thức cô đọng nhất của tất cả Tin Mừng. Rõ ràng có vấn đề thần thánh hóa con người ! Hình ảnh đồng hóa lương thực nói lên nhiều điều !trong mọi chu kỳ của tự nhiên, luôn luôn hữu thể lớp trên đồng hóa thân hữu thể của lớp dưới : thảo mộc biến đổi thành vật chất vô cơ… thú vật biến đổi thành các thảo mộc mà nó ăn và con người là đỉnh cao thấy rõ của sự biến đổi ấy mỗi ngày một hoàn thiện của sự sống. Tại sao sự biến đổi lại dừng lại ở đó ? Tại sao Thiên Chúa lại không đồng hóa chúng ta với Người ?
“Đây là bánh từ trời xuống không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muốn đời”.
Sống ! Sống dồi dào ! Sống thánh thiêng . Chỉ thế thôi Bạn có muốn như thế không ? Bạn hãy đến với ngày lễ của sự sống đời đời. Thánh Thể chiếm vị trí nào trong đời bạn ? Bạn có đói khát Thiên Chúa không ? Người ta không ăn Thánh Thể như những người Do Thái ăn bánh man-na đi làm dịu cơn đói của thể xác. Đây là một cơn đói thiêng liêng, xuyên qua một dấu chỉ của thể xác.
Giáo phận Nha Trang – Chú Giải
“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”
1. Ý CHÍNH :
Bài Tin Mừng hôm nay là phần thứ ba trong bài giảng của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống. Trong bài này Chúa Giêsu nói về Bí tích Thánh Thể mà Người sẽ lập.
2. SUY NIỆM :
Tại hội đường Caphácnaum (Ga 6,59) Chúa Giêsu đã giảng cho đám dân chúng đông đảo theo Người, về Bánh hằng Sống (Ga 6,22-59). Hoàn cảnh của bài giảng này :
a) Khi đó là thời gian gần lễ Vượt Qua, hình ảnh ăn thịt chiên rất có ý nghĩa dẫn tới phép Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ lập sau này (Ga 6,4).
b) Chúa vừa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng đông đảo, việc nuôi dưỡng phần xác một cách lạ lùng này (Ga 6,4), cũng góp phần chuẩn bị lòng người đón nhận giáo lý về phép Thánh Thể.
Trong bài giảng về Bánh hằng Sống này, sau khi đã phân biệt hai thứ bánh, bánh vật chất nuôi xác thịt và Bánh thiêng liêng nuôi linh hồn (6,26-34) và sau khi tuyên bố Bánh bởi trời xuống chính là Thánh Thể Người và Người bó buộc mọi người phải tin và phải ăn Người mới được, sống đời đời (6,34-37) thì ở đây, Chúa Giêsu nói về Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ lập sau này (6,52-59).
1/ “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống”:
Ở đây Chúa Giêsu giới thiệu về những đặc điểm của Bánh Hằng Sống.
a) Bánh Hằng Sống : Là vì chính Chúa Giêsu là sự sống (Sự sống của Thiên Chúa đã ban cho Ađam trước khi phạm tội).
“Trong người vốn có sự sống sự sống ấy vốn là Ánh sáng cho mọi người” (Ga 1,4). Sự sống này được ban cho ta dưới hình thức bánh ăn. Bánh này có sự sống Thần Linh và có sức truyền thông sự sống ấy cho những ai ăn, vì thế gọi là Bánh Hằng Sống.
b) Bánh từ trời : Vì bánh này chính là Chúa Giêsu, Đấng từ Chúa Cha mà ra” (Ga 6,46) và “Chúa Cha là Đấng đã sai Ta” (Ga 6,44) vì thế ở đây có ý nhắc đến việc Ngôi Con xuống thế làm người.
“Ai ăn Bánh này thì sẽ sống đời đời”:
Bánh Hằng Sống có sức thông ban cho những ai ăn, được sự sống đời đời, sự sống mà cái chết của phần xác không ảnh hưởng đến.
2/ “Và bánh ta sẽ ban chính là thịt Ta”:
+ “Sẽ ban” : Nghĩa là Chúa chưa thực hiện trong hiện tại lúc mà Ngài đang nói, nhưng sẽ thực hiện trong tương lai, tức là lúc Ngài lập Bí tích Thánh Thể.
Ở đây gián tiếp nhắc lại Bánh Thiên Chúa đã ban khi dẫn dân Israel qua sa mạc (Xh 16,1) và nhắc tới phép lạ bánh hoá ra nhiều Chúa mới làm trước đó (Ga 6,1-13). Những người ăn loại lương thực này đều đã chết hoặc sẽ chết (chết về thể xác) còn ai dùng bánh “Ta sẽ ban” thì sẽ được sống đời đời (sự sống sau phục sinh).
“Chính là Thịt Ta” : “Theo kiểu nói của Gioan thì “thịt” ở đây là thịt của một người đang sống. Nhưng “thịt” sẽ ban tức là thịt không phải là của thân xác lúc Người đang nói ở đây, nhưng là của thân xác đã chịu chết và phục sinh của Người sẽ lập trong bữa Tiệc Ly khi Ngài cầm lấy bánh mà phán “Đây là Mình Ta”. Chính thứ “thịt” này ban cho thế gian được sống vì “vì ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời”.
Ở đây Gioan có ý liên kết mầu nhiệm Thánh Thể với mầu nhiệm Thánh Thể và nêu giá trị cứu rỗi của việc Nhập Thể.
3/ “Vậy người Do thái tranh luận với nhau”:
Người Do thái hiểu lời Chúa Giêsu nói về thịt của Người theo nghĩa đen : Ăn thịt Ngài tức là ăn thịt của một người đang nói với họ. Vì thế họ thắc mắc và tranh luận với nhau.
Thực ra người Do thái thắc mắc vì họ không hiểu để phân biệt thịt và thân xác Chúa Giêsu lúc Người đang nói với họ, với thịt của thân xác Chúa Giêsu sau khi tử nạn và phục sinh. “Thịt” này mới là Bánh sẽ ban cho thế gian được sống.
4/ “Thật ta bảo thật các ngươi”.
Thấy người Do thái tranh luận với nhau vì họ hiểu ăn “thịt” theo nghĩa đen. Chúa Giêsu không tìm cách để làm dịu kiểu nói, và cũng không cải chính, nhưng Ngài lại quả quyết cách mạnh mẽ hơn rằng : “ Thật Ta bảo thật các ngươi”. Và Người xác quyết thịt của Người thật là của ăn bằng hai cách :
a) “Nếu các ngươi không ăn thịt của Con Người” :
Đây là kiểu nói theo hình thức tiêu cực : ai không ăn thì không có sự sống. Ở đây Chúa Giêsu không có ý nhấn mạnh : Thịt và Máu Người, tức là Bí tích Thánh Thể, là nhu cầu tối quan trọng, không có không được của sự sống đời đời. Vì không ăn thì không có sự sống, sự sống phục sinh.
b) “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta…” :
Đây là kiểu nói theo hình thức tích cực. Ai ăn thì có sự sống đời đời. Ở đây có ý nhấn mạnh đến hiệu quả việc ăn thịt và uống máu Chúa, tức là rước lễ là được sự sống đích thực sự sống sung mãn, sự sống thần linh của Chúa thông ban cho.
5/ “Vì thịt Ta thật là của ăn…”:
Một lần nữa Chúa Giêsu nhấn mạnh Thịt và Máu Người thật là của ăn, là lương thực thông ban sự sống đời đời. Điều này cho thấy rằng Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể dưới hình thức của ăn và của uống để trong mọi hoàn cảnh, con người được dễ dàng nuôi dưỡng bằng chính Chúa Giêsu : bằng lời Người, bằng các công việc của Người và bằng chính đời sống của Người. Và như vậy có hai của ăn thiêng liêng : tin vào Chúa (Ga 6,29) và ăn uống Mình Máu Thánh Chúa (Ga 6,35-36).
6/ “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta”:
Theo kiểu nói thông thường thì ai rước mình Máu Thánh Chúa tức là có Chúa ở trong người ấy. Nhưng kiểu nói “ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” có ý diễn tả một sự kết hợp hỗ tương và thâm sâu hơn giữa Chúa Giêsu Thánh Thể với người rước lễ, vì người rước lễ nhận được sức sống thiêng liêng từ nơi Chúa và Chúa ở trong người ấy như một người bạn được nhận biết và yêu mến.
7/ “Cũng như Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Ta”:
Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống thế gian và Người sống bởi Chúa Cha (sự sống thần linh) thế nào, thì Người cũng ban cho những ai rước mình Máu thánh Chúa được sống như vậy. Ở đây Chúa có ý nói đến sự sống thần linh của phép Thánh Thể. Ai rước lễ thì được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa. Sự sống này từ Chúa Cha qua trung gian Chúa Con thông xuống cho người rước lễ.
8/ “Đây là bánh bởi trời đến”:
Đến đây Chúa Giêsu nhắc lại đề tài về Bánh Hằng Sống mà Người vừa giảng ở trên để có ý nhấn mạnh rằng sự sống ban cho kẻ rước lễ, là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Sự sống này khác hẳn sự sống do Manna, cùng bánh từ trời, nhưng là bánh từ trời theo vũ trụ, thuộc về phạm vị vật chất, vì thế cha ông người Do thái đã ăn và đã chết, cái chết của thân xác (còn phần hồn Chúa không nói đến).
9/ “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”:
Đây là câu kết thúc của bài giảng về Bánh Hằng Sống và cũng là câu tóm lược tất cả mọi điều ở trên : Chính Chúa Giêsu là Bánh từ trời xuống qua mầu nhiệm Nhập Thể, để đem sự sống thần linh xuống cho loài người qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
III. ÁP DỤNG :
A/ Áp dụng theo Tin Mừng
Qua ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn thúc chúng ta một đàng xác tín vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể vì “Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống” đàng khác hãy tin nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể là cách thế hiện hữu để Chúa Giêsu sống giữa loài người và trong mỗi người khi rước lễ. Đây là nguồn an ủi và sức sống cho đời sống tôn giáo chúng ta.
B/ Áp dụng thực hành :
a) Nghe lời Chúa nói :
1/ “Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” : Lời này thúc đẩy ta yêu mến việc tôn thờ Thánh Thể bằng cách chầu Mình Thánh Chúa và viếng Thánh Thể, đồng thời cũng mời gọi ta năng rước lễ sốt sáng hơn.
2/ “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người…” :
Đây là lời xác quyết có tính cảnh cáo đối với những ai coi nhẹ phép Thánh Thể và không tha thiết rước lễ khi có thể.
3/ “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta…Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” : Rước lễ sốt sắng đó là cách chúng ta được sự sống đời đời vì bảo đảm cho ta được Chúa cho sống lại ngày sau hết.
4/ “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong ta”. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng bản thân bằng cách giữ hồn xác được trong sạch để xứng đáng là Đền thờ Chúa ngự, và đồng thời phải biết tôn trọng tha nhân, nhất là những người cùng hiệp thông với mình trong Thánh Thể.
5/ “…Kẻ ăn Ta cũng sẽ sống nhờ Ta” : Qua việc rước lễ chúng ta được tham dự sự sống thần linh của Thiên Chúa, điều này đòi hỏi ta phải sống xứng đáng với diễm phúc ấy bằng cách sống theo đường lối của Chúa để hoàn thiện đời sống mỗi ngày đẹp lòng Chúa hơn.
6/ “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” : Của ăn nuôi xác chúng ta vất vả kiếm tìm nhưng lại không bảo đảm tránh khỏi sự chết, của ăn thiêng liêng là Thánh Thể đem lại sự sống đời đời, tại sao lại không nỗ lực kiếm tìm ?
b/ Nhìn vào đời sống dân Do thái ở đây :
Họ tranh luận với nhau chỉ vì không hiểu lời Chúa chúng ta chưa hiểu ra, mầu nhiệm Chúa chúng ta chưa xác tín, giới luật Chúa chúng ta chưa sống, nên chúng ta sinh ra cạnh tranh, chia rẽ hận thù…nhưng hãy cố gắng học hỏi lời Chúa để tin tưởng, để cậy trông và yêu mến Chúa thì mọi sự sẽ êm xuôi, mọi vấn đề sẽ giải quyết ổn thoả và sẽ được vui sống.
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
Địa chỉ: Số 06, Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Copyright © CHỦNG SINH KHÓA 10