Duy Nhất Và Khác Biệt Trong Tình Yêu | Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi | Ga 3: 16-18 | Lm Cao Nhất Huy
Lễ trọng
Ca nhập lễ
Chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng thương xót chúng ta.
Bài đọc 1: Xh 34,4b-6.8-9
Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi.
Bài trích sách Xuất hành.
Khi ấy, ông Mô-sê thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của Đức Chúa, tay mang hai bia đá.
Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài”.
Đáp ca: Đn 3: 52.53-54.55-56 (Đ. c.52b)
Đ. Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển.
Đ. Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng.
Đ. Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá mà thấu nhìn vực thẳm, chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh.
Đ. Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Bài đọc 2: 2 Cr 13: 11-13
Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, tình thương của Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.
Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em.
Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.
Tung hô Tin Mừng: x. Kh 1: 8
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến, xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Ga 3: 16-18
Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”
Ca hiệp lễ: Gl 4: 6
Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!”
SUY NIỆM
DUY NHẤT VÀ KHÁC BIỆT TRONG TÌNH YÊU
“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”
—/—
Khi được hỏi Thiên Chúa Ba Ngôi là ai, có lẽ ngôn ngữ loài người, với lý luận thần học và triết học sẽ không bao giờ có một câu trả lời thoả đáng. Vì thế, người ta thường đẩy tất cả những gì không lý giải được cho 2 chữ “mầu nhiệm”. Theo Thánh Gioan Tông Đồ, đó là mầu nhiệm “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4: 8), hay nói cách khác, mầu nhiệm của Thiên Chúa chính là tình yêu. Hiểu được tình yêu, sống được tình yêu, thì có nghĩa là ta đang ở trong “mầu nhiệm tình yêu” của Thiên Chúa.
Cũng thế, thông điệp Sacramentum Caritatis của Đức Bênêdictô XVI khẳng định: “Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu trọn hảo giữa Cha, Con và Thánh Thần” (số 8). Ta có thể hiểu điều này như sau: Mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi được khởi phát từ chính tình yêu nội tại của Ba Ngôi vị. Chính tình yêu đó làm cho Thiên Chúa, tuy là ba Ngôi vị Cha – Con – Thánh Thần, nhưng lại là một Thiên Chúa duy nhất. Sự duy nhất nơi Thiên Chúa Ba Ngôi được hiểu trong sự duy nhất của tình yêu tự trao hiến cho nhau.
Tuy nhiên, sự duy nhất trong tình yêu nơi Thiên Chúa Ba Ngôi là một hành động của tình yêu không tìm cách thoả mãn và quy về chính mình (quy về chính mình sẽ tách biệt ra anh là anh, tôi là tôi), nhưng luôn hướng đến nhau để trao ban và dâng hiến một cách trọn vẹn (sự duy nhất). Chính vì thế, sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa như là một tình yêu duy nhất mà thôi. Trong tình yêu đó, Chúa Cha đã trút cạn và trao ban chính mình cho Chúa Con. Nghĩa là, Chúa Cha không chia sẻ thần tính của Ngài cho Chúa Con, nhưng thông chuyển trọn vẹn cho Chúa Con những gì thuộc về mình. Và ngược lại, Chúa Con cũng vậy! Còn Chúa Thánh Thần chính là tình yêu trao hiến giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dấu ấn bảo toàn sự khác biệt giữa các Ngôi vị.
Vì thế, nơi tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là sự duy nhất và khác biệt: Duy nhất một Thiên Chúa, nhưng sự duy nhất này không hoà tan các Ngôi vị mà bảo toàn sự khác biệt giữa các Ngôi vị và đưa sự khác biệt đó tới mức hoàn hảo.
Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Ở lại trong tình thương của Thầy, nghĩa là ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Tình yêu không chỉ mang tính duy nhất và khác biệt, mà còn mang đến sự hoàn hảo: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”.
Trong thế giới này, mỗi người là một khác biệt, 100 người sẽ có 100 khác biệt: tính khí, sở thích, thói quen, cách nhìn, đánh giá…. Nhưng trong những khác biệt đó, chúng ta được mời gọi để trở nên duy nhất qua tình yêu dành cho nhau. Vậy, làm sao có thể dung hoà những khác biệt đó để sống hoà thuận với nhau. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một chìa khoá để sống sự khác biệt đó, chính là: “Giữ các điều răn của Thầy” (Ga 15: 9). Giới răn của Chúa chính là kim chỉ nam giúp cho mọi khác biệt quy hướng về một mối trong đức tin, nhưng không làm mất đi các khác biệt của nhau. Vì thế, hễ ai giữ giới răn của Chúa thì sẽ quy hướng về sự duy nhất trong tình yêu của Thiên Chúa, nhưng vẫn là chính mình chứ không phải là bản sao của người khác. Chính Chúa Giêsu đã làm điều này trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15: 9).
Áp dụng điều đó cho đời sống của chúng ta như thế nào? Trong một gia đình với nhiều thành viên: cha mẹ, các người con… Chắc chắn mỗi người sẽ là một khác biệt. Để có thể sống hiệp nhất với nhau trong một gia đình, chìa khoá chính là giữ giới răn của Chúa: Cha mẹ giữ giới răn của Chúa trong tình yêu một vợ một chồng, chung thuỷ với nhau, nuôi dạy con cái với tất cả bổn phận và trách nhiệm; con cái giữ giới răn của Chúa là thảo kính cha mẹ; và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Đó chính là cách thế chúng ta ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu, và tình yêu gia đình của chúng ta trở nên trọn vẹn.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống khiêm nhường, để có thể tôn trọng những khác biệt của nhau. Nhờ đó, chúng con hiệp nhất với nhau trong một tình yêu với Chúa để ở lại trong tình thương của Ngài, ngõ hầu niềm vui cuộc sống của chúng con được nên trọn vẹn. Amen.
Cao Nhất Huy